CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C

Br 5,1-9 ; Pl 1,4-6.8-11 ; Lc 3,1-6

CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA:

1. TIN MỪNG: Lc 3,1-6

(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít; Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên; (2) Khan-na và Cai-pha làm thượng tế. Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (5) Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. (6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH: “MỌI NGƯỜI PHÀM SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ” (Lc 3,6).

Bài Tin mừng hôm nay mô tả khung cảnh thời gian và không gian, khi Gio-an, con ông Da-ca-ri-a bắt đầu thi hành ơn gọi làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai.. Lời sấm ngôn của I-sai-a về việc dọn đường cho Đức Chúa đến để cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi cảnh lưu đầy, giờ đây được ứng nghiệm nơi Gio-an Tiền sứ. Ông tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, đi trước loan báo Đấng Thiên Sai sắp đến. Ông cũng kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến bằng việc ăn năn sám hối tội lỗi, và chịu phép rửa do ông thực hiện trong dòng nước sông Gio-đan.

3) CHÚ GIẢI:

- HỎI 1: TIN MỪNG CHO BIẾT GÌ VỀ THÂN THẾ, SỨ MỆNH VÀ CUỘC ĐỜI CỦA VỊ TIỀN SỨ GIO-AN TẨY GIẢ?

ĐÁP: Gio-an là con của hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét (hay I-sa-ve), và đã được hòai thai cách khác thường (x. Lc 1,57-68). Từ nhỏ, ông đã sống khắc khổ chay tịnh trong hoang địa như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mc 1,6). Sau đó ông được kêu gọi làm ngôn sứ để loan báo tin mừng Đấng Thiên Sai (x. Lc 1,76). Ông thi hành sứ mệnh tại vùng sông Gio-đan. Chính ông đã làm phép rửa cho Đức Giê-su và đã được chứng kiến cuộc Thần hiện xảy ra sau khi Người chịu phép rửa (x. Mt 3,16-17). Sau đó ông bắt đầu giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29), và khuyến khích hai đồ đệ bỏ mình đi theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,35-37.43). Ông cũng loan báo về Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mc 1,7-8) và khiêm tốn nói rằng: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người... Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30). Cuối cùng Gio-an đã kết thúc cuộc đời tiền sứ bằng cái “chết vì lẽ công chính” ở trong nhà ngục (x. Mt 14,3-12), vì đã dám khiển trách tội loạn luân của vua Hê-rô-đê (x. Lc 3,19). Đức Giê-su đã khen Gio-an: “Trong số các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không ai cao trọng hơn Gio-an” (Lc 7,28).

- HỎI 2: KỶ NGUYÊN CHUNG HAY CÔNG NGUYÊN LÀ GÌ? CÔNG NGUYÊN CÓ TỪ KHI NÀO VÀ DO AI SÁNG LẬP? KỶ NGUYÊN CHUNG DỰA TRÊN MỐC THỜI GIAN LÀ NGÀY SINH CỦA AI? VIỆC TÍNH TOÁN THỜI ĐIỂM ẤY ĐÚNG SAI THẾ NÀO?

ĐÁP:

Công Nguyên, Anno Domini, viết tắt AD, nghĩa là Kỷ nguyên Ki-tô. bắt đầu bằng năm sinh của Chúa Giê-su. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên (TCN).

Từ xa xưa, mỗi nước đều sử dụng lịch riêng của nước mình, không có sự thống nhất nên rất khó giao thương với nhau. Do đó các nhà lãnh đạo đều mong muốn có một lịch chung, một kỷ nguyên chung hay cũng gọi là công nguyên cho toàn thế giới.

Vào thế kỷ thứ VI, tu sĩ tên là DI-O-NY-SI-US E-XI-GU-US đã đặt ra Kỷ nguyên chung khi ông tính lịch cho ngày lễ Phục Sinh. Ông đã chọn Đức Giê-su làm nhân vật trung tâm của lịch sử nhân lọai. Dựa vào các thông tin về cuộc đời của Đức Giê-su trong các sách Tin mừng như: Người sinh ra dưới thời Hê-rô-đê Đại vương (x. Mt 2,1); trong lúc Rô-ma đang làm sổ kiểm tra dân số và Qui-ri-nô làm toàn quyền xứ Sy-ri-a (x. Lc 2,2); Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su trạc độ 30 tuổi (x. Lc 3,23); Gio-an Tẩy giả thi hành sứ mệnh tiền sứ vào năm thứ 15 triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô (x. Lc 3,1)... Tu sĩ Di-o-ny-si-us đã so sánh các chi tiết trên với lịch sử của đế quốc Rô-ma để tìm ra năm sinh của Đức Giê-su tương ứng với lịch Rô-ma tính từ ngày thành lập thành Rô-ma, và lấy năm sinh của Đức Giê-su là năm thứ nhất của Kỷ Nguyên Chung. Từ đó mọi nước trên thế giới đều thống nhất dùng lịch chung này. Như vậy năm 2018 nghĩa là năm thứ 2018 tính từ năm Chúa Giê-su giáng sinh.

Tuy nhiên, ngày nay người ta đã khám phá ra có sự sai sót trong cách tính của Di-o-ny-si-us. Hầu hết các học giả Kinh Thánh hiện nay cho rằng Di-o-ny-si-us đã tính sai, và rằng trên thực tế Chúa Giê-su sinh trong khoảng năm 748-750 tính từ ngày thành lập thành Rô-ma. Có như vậy sự giáng sinh của Chúa Giê-su mới trùng hợp với cái chết của Hê-rô-đê Đại Đế vào năm 4 trước Công Nguyên (x Mt 2,15).

Nhưng sai sót này không quan trọng và không ảnh hưởng đến lịch chung đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.

- HỎI 3: CÓ MẤY THỨ PHÉP RỬA VÀ PHÂN BIỆT VỚI NHAU THẾ NÀO?:

ĐÁP: Tin mừng Gio-an cho thấy có hai thứ phép rửa: Một là “phép rửa trong nước” của Gio-an Tiền Sứ (x Ga 1,26.31), và hai là “phép rửa trong Thánh Thần” của Đức Giê-su (x Ga 1,.32-34).

Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ, giúp người ta tỏ lòng sám hối để cầu xin Chúa tha tội. Còn phép rửa do Đức Giê-su thiết lập mới đem lại ơn cứu độ cho người lãnh nhận. Ơn cứu độ ấy như sau: Một là họ sẽ được tha tội Tổ Tông Truyền và các tội riêng đã phạm từ khi có trí khôn, nhờ công nghiệp tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su. Hai là được tái sinh làm con yêu dấu của Thiên Chúa nhờ quyền năng Thánh Thần, giống như Đức Giê-su sau khi chịu phép rửa (x. Mt 3,17).

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Hãy sửa lối cho thẳng để Người đi”(Lc 3,4b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) AI LÀ KẺ KHỜ DẠI NHẤT ?

Kho truyện cổ Tây Phương có kể tích truyện một anh hề trong cung điện nhà vua, được vua trao cho phủ việt, biểu tượng của vương quyền, để giúp nhà vua khỏi ưu phiền. Một hôm nhà vua gọi anh hề lại và truyền cho anh: "Ngươi hãy giữ lấy phủ việt này cho đến khi ngươi tìm được một người nào ngây ngô và khờ dại hơn ngươi thì ngươi trao lại cho người đó". Từ đó, mỗi khi có việc thết đãi triều thần, anh hề đều đến với phủ việt trong tay, dáng điệu vênh váo, ngông nghênh, cốt mua vui cho nhà vua.

Mấy năm sau, nhà vua lâm bệnh nặng. Biết mình sắp chết, nhà vua cho gọi anh hề lại. Vua buồn bã nói: "Ta sắp sửa đi du lịch ở một nơi xa lắm".

- "Nhà vua đi đến nơi nào vậy?", anh hề hỏi.

- "Ta cũng chẳng biết nữa".

- "Nhà vua đi có lâu không?".

- "Đi hoài và không bao giờ trở về đây nữa".

- "Nhà vua đã chuẩn bị hành trang chưa?"

- "Chưa hề".

Bấy giờ anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu vua: "Vậy xin Đức Vua hãy cầm lấy cây phủ việt này. Hạ thần xin trao lại cho Đức Vua, bởi vì hôm nay hạ thần đã tìm được một người ngây ngô khờ dại hơn hạ thần rồi".

Lời Chúa cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này: "Hãy sẵn sàng, vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến". Đừng khờ dại khi sống không có mục đích, không biết có ngày mình sẽ phải chết, phải ra đi với hai bàn tay trắng.

2) GIẢI NÔ-BEN HÒA BÌNH

AN-PHỚT NÔ-BƠN (ALFRED NOBEL) sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại SÌ-TỐC-KHÔM (Stockholm) Thụy Điển, là con trai thứ ba của một nhà khoa học. Từ nhỏ Nô-bơn đã theo gia đình đến sinh sống tại Le-nin-grad nước Nga.

Nô-bơn đặc biệt thích văn học, nhưng vâng lời cha, ông theo học ngành khoa học kỹ thuật và nghiên cứu về thuốc súng và thuỷ, địa lôi. Ông đã phát minh ra chất nổ và cũng nhờ bán đi bằng sáng chế này mà ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng giàu có nhất thế giới lúc bấy giờ.

Vào ngày 3 tháng 9 năm 1864, nhà máy Nô-bơn phát nổ, rất nhiều công nhân bị thiệt mạng, trong đó có cả E-mil là em út của Nô-bơn. Khi ấy Nô-bơn bàng hoàng khi hầu hết các tờ báo phát hành ngay từ sáng sớm đều loan tin sai lạc về cái chết của chính ông, người mà họ mô tả là kẻ đã sáng chế ra cốt mìn, một thứ vũ khí giết người hàng loạt. Các bài viết mang những tựa đề lớn như: “Nhà buôn cái chết đã chết” – hoặc: "Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời vào ngày hôm qua". Thực ra báo chí đã hiểu lầm về bản chất con người ông. Việc phát minh ra chất nổ của Nô-bơn ban đầu chỉ là công trình khoa học nhằm phục vụ cho nhân loại. Chẳng hạn: Phá đá làm đường hầm xuyên qua núi, hoặc lấy đá làm nguyên liệu xi măng xây dựng đường xá, cầu cống, nhà cửa và các công trình phục vụ công ích. Nhưng về sau khi chiến tranh nổ ra, chính quyền đã lạm dụng phát minh của No-bơn để chế tạo mìn sát thương trái với ý muốn của ông.

Ngay sáng hôm đó, Nô-bơn đã quyết định nhờ luật sư làm di chúc để tình nguyện hiến toàn bộ tài sản to lớn của ông để phục vụ nhân lọai. Đó là nguồn gốc của giải thưởng Nô-bơn được công bố hằng năm ngày nay. Mỗi năm, số tiền lời phát sinh từ tài sản kếch xù ban đầu của Nô-bơn đã được sử dụng làm giải thưởng có giá trị cao cho bất cứ người nào, không phân biệt quốc tịch, có công sáng chế những phát minh phục vụ nhân lọai về năm lãnh vực: vật lý, hoá học, y học, văn học và đấu tranh cho hòa bình.

3) CÁCH ỨNG XỬ BÁC ÁI KHÔN NGOAN CỦA MỘT ÔNG TRÙM HỌ ĐẠO ?

Trong một xóm đạo ở miền quê nọ, các nhà trong xóm đều được xây dựng liền kề nhau, chỉ cách nhau vài ba chục mét. Nhà này thường phân cách nhà kia bằng một hàng phên tre sơ sài. Có nhà nuôi gà nhốt trong chuồng cẩn thận, nhưng cũng có nhà cho gà tự do sang bên nhà hàng xóm đào bới đất kiếm ăn. Một ông trùm họ sống trong xóm có trồng vài luống rau ăn hằng ngày trong khu vườn sau nhà. Tuy nhiên hầu như ngày nào ông cũng mất công đi đuổi lũ gà hàng xóm, chui qua hàng rào vào trong vườn nhà ông đào bới lung tung, làm hư hại các luống rau ông đang quan tâm chăm sóc. Ông trùm đã vài lần sang nói chuyện phải trái với mấy nhà gần bên để yêu cầu họ làm chuồng nhốt gà lại, nhưng họ không mấy quan tâm và chuyện đâu vẫn y như cũ. Vốn là một người sống đạo đức có chiều sâu, ông trùm luôn chủ trương sống Lời Chúa dạy và không muốn chuyện nhỏ biến ra to, nên ông đành im lặng chịu đựng. Một hôm ông đã tìm ra một giải pháp hữu hiệu như sau: Trong nhà ông cũng có nuôi được ít gà mái đang thời đẻ trứng nhốt trong chuồng và ngày nào chúng cũng đẻ được một hai quả trứng. Cứ cách vài ba ngày, ông trùm lại sai con mang mấy quả trứng gà nhà mới đẻ sang trao lại cho bên hàng xóm với lời giải thích: đó là mấy quả trứng do gà nhà ai đó đã đẻ rơi trong vườn nhà mình. Ông làm như thế vài lần thì đã có được kết quả tốt đẹp: các nhà hàng xóm giáp ranh đều đã rào giậu cẩn thận để tránh gà nhà mình sang đẻ rơi bên nhà ông. Thế là chỉ mất một ít trứng gà mà ông trùm đã tránh được tranh chấp có thể gây tranh cãi biến thành chuyện lớn.

Trong những ngày này, để đón Chúa Giáng Sinh, mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để làm hòa với một người thân trong gia đình hay một người quen biết đang có chuyện bất hòa với chúng ta?

4) HÃY MỞ CỬA LÒNG ĐÓN RƯỚC CHÚA ĐẾN VIẾNG THĂM:

Trong một cuộc triển lãm, họa sĩ VANGOG có trưng bày một bức tranh rất đẹp với tựa đề “Chúa đến’”. Ông vẽ Chúa Giê-su đang đứng gõ cửa trước một căn phòng. Một người bạn xem tranh và tấm tắc khen tài nghệ xuất chúng của ông, nhưng sau đó anh chân thành góp ý với họa sĩ: “Này anh Vangog, bức tranh của anh nói chung đã hoàn hảo rồi. Nhưng tôi thấy còn thiếu một chi tiết nhỏ mà có lẽ anh đã không để ý tới là: Căn phòng Chúa đứng gõ cửa còn thiếu một nắm đấm để người đứng bên ngoài có thể mở ra được”. Bấy giờ Vangog liền trả lời: “Không phải thế đâu anh bạn. Chúa đang đứng gõ cửa phòng tâm hồn của mỗi người chúng ta. Còn bạn hay tôi, có sẵn sàng mở cửa lòng mình ra hay không là do quyết định của chính chúng ta. Nắm đấm để mở cửa căn phòng nằm phía bên trong, chứ không nằm phía bên ngoài”.

Trong Mùa Vọng, chúng ta đợi chờ Chúa đến. Người đang đến gõ cửa tâm hồn từng người chúng ta. Cửa phòng có được mở ra hay không, và Chúa có đi vào được căn phòng tâm hồn chúng ta hay không, là tùy mỗi người chúng ta, có sẵn sàng mở ra tiếp đón Người, như Người đã phán trong sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).

3. THẢO LUẬN: Từ các câu chuyện trên, bạn rút ra bài học gì để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến trong Mùa Vọng này ?

4. SUY NIỆM:

1) BÀI HỌC KHIÊM TỐN KIẾN TẠO HÒA BÌNH CỦA NÔ-BƠN: Chính nhờ có cái tâm bác ái quảng đại, sẵn sàng hy sinh toàn bộ tài sản phục vụ công ích, cũng như nhờ biết ứng xử khôn ngoan, mà No-bơn đang từ một kẻ bị người đời nguyền rủa là tác nhân gây chết chóc... trở thành một nhân vật được cả thế giới ngưỡng mộ, và được công nhận là ân nhân của nhân lọai, vì đã cổ võ hòa bình, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các dân tộc trên thế giới. Còn bạn, bạn sẽ làm gì trong những ngày này để phục vụ công ích và gây hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình, khu xóm và nơi làm việc của bạn?

2) “HÃY SỬA ĐƯỜNG CHÚA CHO NGAY THẲNG”: Trong Mùa Vọng này Giáo Hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh bằng việc thực hành theo lời Gio-an Tiền Sứ: “Sửa đường cho ngay thẳng đón Chúa đến” như sau:

* Mọi thung lũng phải lấp cho đầy: Cần lấp đầy tâm hồn bằng sự tha thứ, hoà giải trong tình huynh đệ yêu thương thay cho chia rẽ, thù ghét lẫn nhau...

* Mọi núi đồi phải bạt cho phẳng: Cần tránh thói kiêu căng khoe khoang thành tích, luôn làm việc để tìm tiếng khen. Cần tỏ lòng kính trọng tha nhân bằng cách xưng hô xứng hợp với địa vị mỗi người. Tránh tự cao khi nghĩ mình hơn kẻ khác và khinh thường những ai không bằng mình về trình độ, địa vị, tiền bạc, tài năng….

* Đường quanh co phải uốn cho ngay: Cần tránh những lời nói thiếu trung thực, dối trá, chua cay hay tục tĩu.

* Đường lồi lõm phải san cho bằng: Phải tránh tính nóng giận bằng sự làm chủ bản thân, thay nét mặt cau có bằng nụ cười thân ái. Tránh tranh cãi to tiếng. Tránh thói ganh tị nhỏ nhen, gàn dở cố chấp và ích kỷ hại nhân...

3) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI: Nội dung chính trong lời kêu gọi của Gio-an Tiền sứ là “Hãy sám hối”. Sám hối bao gồm sự nhìn nhận tội lỗi của mình, hối tiếc vì tội đã phạm, và quyết tâm chừa cải để quay về xin lỗi làm hòa với Chúa. Thiếu một trong ba yếu tố trên thì không còn là sám hối. Giu-đa biết tội của mình, hối tiếc vì tội đã phạm và lẽ ra phải quay về xin Chúa tha thứ, thì anh ta lại đi treo cổ tự tử ! (x. Mt 27,5) nên đã bị Chúa trách: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (x. Mc 14,21). Còn thánh Phê-rô sau khi ý thức tội chối Thầy của mình, đã hồi tâm sám hối (x. Mt 26,75) và trông cậy vào lòng khoan dung của Chúa, nên đã được Chúa tha tội. Cũng nhờ có lòng mến Chúa nhiều, nên ông đã được Người trao quyền chăn dắt đòan chiên (x. Ga 21,15-17).

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ thực hiện, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận ra lầm lỗi của mình. Xin cho chúng con học tập nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúa là Đấng trong sạch thánh thiện, thế mà Chúa lại tình nguyện xếp hàng, đứng chung hàng ngũ với các tội nhân để xin Gio-an làm phép rửa. Tuy vô tội, nhưng Chúa đã muốn trở nên bạn đồng hành của lòai người chúng con khi mang lấy thân phận mỏng dòn yếu đuối của chúng con.

- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết điều chỉnh cách suy nghĩ và lối sống của chúng con: Luôn tỉnh thức để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để không tự dối lòng mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con được ơn sám hối thực sự trong Mùa Vọng này. Cho chúng con quyết tâm làm những việc bác ái cụ thể, và can đảm đón nhận những lời phê bình góp ý của tha nhân để ngày một nên tốt hơn, vì như người ta thường nói: “Thuốc đắng dã tật”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C